Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

TRÁI TIM CAO CẢ



Mặc dù trong họ hàng nhà tôi có nhiều người đã chết trong cuộc chiến tranh  Quốc – Cộng hoặc vì lý do khác. Tôi đã chứng kiến thân xác của họ khi đem về mai táng không còn nguyên vẹn . Có người khi chết chỉ còn là những miếng thịt vụn  trộn lẫn máu và đất cùng với màu khói hung thuốc nổ của một quả mìn . Có người khi gia đình chôn cất chỉ có một thân không có đầu, bởi chiếc đầu đã để lại một góc nào trên chiến trường, không thể tìm thấy sau một trận đánh sáp lá càvới vũ khí chỉ toàn là mã tấu và mìn claymore. Cũng có những người chết trên giường bệnh sau cơn bệnh hành hạ thân xác đau đớn hơn 10 năm…   Nhưng thú thật, tôi ít khi có những cú sốc như lần mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi mất tôi vừa đến tuổi 40 tuổi, cái tuổi có cuộc sống ngoài xã hội tương đối chửng chạc về mọi  mặt ( theo quan niệm của đa số người lớn tuổi ở quê tôi) và tôi cũng đã cảm thấy điều đó đúng phần nào qua cá nhân của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn bất lực trước một huống tình cảm thiêng liêng nghiệt ngã, và đã tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ vượt qua nổi cú sốc ấy. Tôi quá xúc động mỗi khi nghĩ  tới  người.. Tôi vẫn biết “ Sinh, Lão Bệnh Tử” đó là qui luật của tạo hóa, nhưng tâm hồn của tôi không thể lặng yên và khó chấp nhận định luật nầy khi nghĩ đến cái chết của mẹ tôi. Cơn đau về tinh thần  đã hành hạ người tôi suốt nhiều năm. 
 Khi mẹ tôi lâm bệnh, anh em chúng tôi chạy chữa cho mẹ dưới mọi hình thức: thuốc Tây, thuốc Tàu và ngay cả thuốc Nam cũng dùng vào việc chữa trị, nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến một ngày phải đưa mẹ vào bệnh viện chữa trị. Tôi được các anh chị tôi ủy thác thường trực trong bệnh viện săn sóc cho mẹ, sở dĩ tôi được làm nhiệm vụ này vì tôi là kẻ vô gia cư, không một “đồng ten dính túi” trong thời gian  mẹ tôi bệnh. Các anh chị thì có điều kiện hơn phải ở bênh ngoài để kiếm tiền trang trải viện phí. Mỗi ngày y tá đến giường bệnh của mẹ tôi thay những tấm ra trắng nơi chỗ mẹ nằm, và đặt kim chích trên người của mẹ rút ra từng ống nước màu vàng hôi tanh khó ngửi, những ống nước vàng được bọc kín lại sau khi hút xong và để vào một mâm riêng biệt rồi đem đi một nơi vệ sinh kín đáo. Tôi hỏi người y tá về bệnh trạng của mẹ, nhưng người y tá phục vụ không giải đáp rõ ràng, và bảo tôi nên hỏi bác sĩ điều trị. Gặp bác sĩ điều trị mẹ tôi trong một quán nước ngoài khuôn viên bệnh viện. Bác sĩ vẫn không cho tôi tìm hiểu thêm về bệnh trạng của mẹ tôi, người chỉ nói là sẽ cố gắng điều trị cho mẹ, sau khi tôi “dúi” vào tay của ông năm trăm ngàn đồng tiền của chế độ mới. (1)
 Sau lần  gặp bác sĩ điều trị cho mẹ tôi, tình trạng săn sóc trở nên khá hơn, nhưng bệnh của người thì không khá. Cơn bệnh bắt đầu tăng tốc làm đau cả thân thể của người. Mẹ không còn ngủ được , trằn trọc và lăn lộn suốt đêm. Tôi phải đấm bóp cho người để giảm phần nào cơn đau nhức, nhưng cơn đau không chịu  khuất phục dưới đôi tay chưa lần  nào trả hiếu cho   mẹ, nên cơn đau không sợ và vẫn chủ động tấn công người đến rên xiết. 
Một ngày nọ, nhiều đàn chim lạ không biết từ đâu bay về, đậu đầy trên những cây cao su già cỗi còn sót lại sau một đợt triệt hạ gỗ để đun lò của ban giám đốc bệnh viện.  Trong khu cách ly ( khoa truyền nhiễm ) của bệnh viện có những con chim quạ đen, đi đi lại lại trên cành của một cây cao su khô và kêu những tiếng ghê rợn, hòa cùng tiếng kêu hỗn  hợp của nhiều giống chim khác, tạo nên một âm thanh quái đản như tiếng gọi của qủy dọa sa đang từ âm phủ trồi lên dương gian để bắt hồn người trong những phim ma kinh dị.
Mẹ tôi chết sau động tác rút nước trong buồng phổi lần thứ 50 của người y tá, khi chết thân thể của  mẹ tôi trở nên khô đét da xanh như  màu đọt chuối sứ non , khi mẹ còn sống trồng quanh nhà.
Tôi không thể nào hiểu nổi căn bệnh, bác sĩ điều trị thì nói rằng đó là một dạng ung thư  phổi. Chứng bệnh này thuộc vào loại nan y  vì số nước trong buồng phổi tạo ra rất nhanh, trong vòng vài ba tiếng đồng hồ nước vàng có từ những nan phế quản tiết ra đầy lấp cả buồng phổi và tràn sang đè nặng lên tim sẽ làm cho bệnh nhân khó thở  đưa đến  tử vong vì tim ngưng đập. Trái lại khi hút hết nước vàng, hai buồng phổi khô sạch, nhưng lại dính sát vào nhau làm cho người bệnh dễ chết ngộp. 
Đám ma mẹ tôi được tổ chức theo lễ nghi tôn giáo Cao Đài. Theo luật của Đạo, người tín đồ Cao Đài Giáo, nếu khi còn sinh thời ăn chay đủ 10 ngày trong tháng khi qui liễu được thọ truyền bửu pháp, tức là các phép bí tích độ hồn trong cơ tận độ của Chí Tôn, nếu còn ăn chay 6 ngày trong một tháng thì không hưởng được những điều này và tang lễ chỉ làm bặt tiến mà thôi ( Làm bặt tiến là làm lễ dâng lên các đấng Thiêng liêng xin cứu giúp vong hồn cho được siêu thăng) . Mẹ tôi vì không phải là một tín đồ thường, khi còn tại thế người tu tập với  nhiệm vụ như là một chức việc trong Cơ Quan Phước Thiện của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ  nên khi chết được nghi tiết tang lễ vào hàng Nhơn Thần, người được làm các phép bí tích như: phép xác, phép đọan căn, phép độ thăng, được hành lễ tế điện có bài thài, được làm tuần cữu, Tiểu Tường , Đại Tường, được tụng kinh cầu hồn khi hấp hối, kinh khi đã chết rồi, tại Đền Thánh hoặc Thánh Thất được dộng 9 tiếng chuông… Và mọi chi phí chôn cất đều do đồng đạo cùng với Hội Thánh lo liệu, mà tang quyến không phải tốn một khoảng tiền nào.
Tuy đám tang của mẹ tôi đầy đủ những lễ nghi, đầy đủ những đồng đạo, những người đã ít nhiều tu tập cùng mẹ tôi khi người còn lúc sanh tiền. Đối với một đám tang như vậy thật là hiếm có cho một đời người,nhưng đối với tôi luôn cảm thấy thiếu vắng . Sự thiếu vắng phát xuất từ tâm linh của một người con mất mẹ. Từ nay tôi sẽ không còn thấy hình hài mẹ tôi trên cõi trần gian . Tôi không còn thấy người tươi cười mỗi khi thấy tôi từ Sàigòn về thăm trong những ngày xuân, tôi cũng sẽ không còn thấy được hình dáng của người với chiếc áo dài trắng đọc kinh cầu nguyện cho bá tánh và nhân lọai được bình yên, cho chiến tranh Việt Nam sớm chấm dứt, cầu nguyện cho những đứa con đang chiến đấu gìn giữ an ninh và tự do cho đất nước, và tôi cũng không bao giờ còn  thấy hình dáng của người gồng gánh những gánh  thực phẩm lặn lội nhiều ngày đêm đến rừng sâu để thăm tôi trong trại tù cải tạo. Mẹ ơi! Giờ này mẹ ở nơi đâu? Mẹ có biết rằng con thương mẹ lắm không?
Trong nỗi bức xúc mất mác, tôi đã viết nhiều bài thơ để tưởng nhớ  đến người. Trong số bài tôi nhớ man mán như vầy: 

Con cúi xuống  hôn lên lần  cuối
Mảnh hình hài người tạo ra con
Thân buốt lạnh như là băng giá
Mẹ chết rồi, mẹ đã đi xa.

Bổng nước mắt nhòa lên tròng khóe
Rớt dài lên mặt mẹ xanh xao
Chuổi thương đau như gào xé tế bào
Lòng thương mẹï dâng trào vô kể.

Con còn lại tâm hồn hoang phế
Kỷ niệm về năm tháng xa xôi
Nhớ những năm lặn suối trèo đồi
Nuôi con  trẻ ngược xuôi tù tội.

Trước quan tài, con rã rời quì gối
Nhớ mẹ hiền những nỗi  bâng khuâng
Nhiều đêm khuya con đã khóc thầm
Vì thế cuộc nên không gần mẹ.

Con cúi mặt âm thầm lặng lẽ
Đêm tràn về chạnh nhớ niềm riêng
Di ảnh còn đây mà mẹ ly phương
Mang thương nhớ con thường nhắc nhở.

Cúi lạy mẹ, con về, mẹ ở
Nắm đất gầy muôn thuở mẹ nằm 
Với trăng thanh, đồng nội sơn lâm 
Cho hồn mẹ cõi âm thanh thoát.
Suốt nhiều năm tôi thật sự như chiếc bàn không có chân tinh thần ghập ghềnh, chồng chềnh như không định hướng, mỗi khi tôi chợt nghĩ về người. những hình ảnh của người mặc chiếc áo bà ba ngắn trắng tay vào những ngày hè nóng bức, đến trường tiểu học đón tôi sau giờ tan trường, nhớ những lần  người đỡ cho tôi những đường roi từ ba đánh vì tội trốn học, những năm  tôi học thi lấy bằng tốt nghiệp trung học, người lui cui dưới nhà bếp nấu và bưng cho tôi từng tô cháu ăn khuya…
Nói làm sao hết mẹ hiền ơi!
Công đức cù lao lẫn dưỡng nuôi
Chẳng quản thân, ngày đêm lặn lội
Cho đàn con được ấm no thôi

Mẹ đã vì đời vì các con
Tình thương mẹ rưới khắp nước non 
Không phân nghèo khó hay già trẻ
Dù bỏ xác thân tình vẫn còn

Mẹ là Bắc Đẩu giữa trời đêm
Soi sáng nhân gian khắp mọi miền
Vươn gương bác ái lần tay đuốc
Dẫn lối tình thương đến cõi thiên
…………………………………………………………………
Thế rồi thời gian  trôi qua như là một liều thuốc kỳ diệu, dần dần những u buồn, nỗi đau trong tôi đã ngoai nguôi bớt phần nào. Tôi cảm thấy phấn khích trước sự hồi sinh kỳ diệu của thiên nhiên khi xuân đến.
Sau lần giổ và những lần thanh minh tảo mộ, tôi thường đến nghĩa trang thăm mẹ. Tôi chăm sóc trang trí hoa và quét vôi, sơn trên mộ mẹ khiến tôi vơi bớt những kỷ niệm đau buồn. Nhiều năm sau, tôi không còn có dịp thăm mộ mẹ nữa. Tôi bị  chính quyền cộng sản chuyển đi " vùng kinh tế mới" . Các anh chị của tôi cũng  bị chuyển đến những vùng xa xôi khác. Chúng tôi chỉ gặp nhau vào những dịp giổ lễ, đặc biệt là ngày lễ thanh minh tảo mộ trong dịp xuân về. Thời gian trôi đi… anh em chúng chúng tôi sống như đàn gà con mất mẹ. Ba tôi mất khi tôi còn quá nhỏ và người anh cả lúc đó mới chỉ đủ tuổi trưởng thành. Thời gian ba tôi qua đời chúng tôi sống chung trong gia đình với mẹ. Những năm tháng còn lại của mẹ dường như để đền bù nỗi đau mất cha của tôi. Bây giờ đến lượt mẹ tôi nằm xuống yên nghĩ dưới một tấm mộ bia bằng xi măng sơn trắng ghi vài dòng chữ đơn sơ : “ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Phần Mộ Giáo Thiện Hà Thị Ngàn, Sinh Quán Thanh Điền Tây Ninh, Ngày qui vị: 3-9 năm Tân Mùi, Tử Tôn lập mộ” . Sau khi chương trình “ Kinh tế mới” của chính quyền Cộng sản bị thất bại.Người dân bỏ về thành phố sinh sống.Theo phong trào tôi cũng về lại Sàigòn. Tôi lại có dịp đến nghĩa trang thường xuyên hơn. Tôi thường chọn ngày nắng ấm để đến thăm mộ cha mẹ tôi. Những lúc ấy, dường như tôi lại được trở về bên cạnh họ, dù chỉ trong ý nghĩ. Sự yên tĩnh nơi đây khiến lòng tôi bình yên hơn. Tôi thường quan sát những người xung quanh cũng đang bận rộn chăm sóc phần mộ của người thân họ và tự hỏi không biết họ đang thương tiếc cho ai? Tôi không hề quen họ nhưng tôi cảm thấy dường như họ và tôi đều là những người thân của nhau.
Một ngày nọ, tôi để ý đến một nấm mộ nằm ngay sau mộ mẹ tôi. Nó nằm khiêm nhường giữa hàng trăm ngôi mộ bia vững chãi ở xung quanh. Và chính sự đơn sơ của nó đã khiến tôi chú ý. Cỏ và hoa mắc cỡ ( hoa trinh nữ) phủ kín  cả ngôi mộ đến độ nhìn không thể thấy được gì Và vật trang hoàng duy nhất trên mộ là một tấm mộ bia làm bằng gỗ mộc đơn sơ  với những hàng chữ được khắc lọt tõm vào trong thân bản gỗ ghi tên một người phụ nữ đã hưởng dương 22 tuổi. Mỗi lần đi ngang ngôi mộ này, tôi lại mường tượng đến những câu chuyện khác về người phụ nữ mất sớm ấy.
Một lần , tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi vừa rời ngôi mộ này. Tôi đoán rằng ông ấy đến thăm mộ vợ mình. Vào ngày lễ tảo mộ trong dịp xuân năm 1994, trong khi lo nhang đèn, bánh mứt cúng phần mộ của ba me ïtôi, tôi bắt gặp người đàn ông ấy đang chăm sóc ngôi mộ, tôi đã bắt chuyện tự nhiên với ông, hỏi ông về lai lịch ngôi mộ. Và đây là câu chuyện của ông: " Đó là ngôi mộ của mẹ tôi bà mất vì viêm phổi vào năm 1912, khi còn rất trẻ. Lúc đó tôi chỉ mới được một tuổi rưỡi. Thật sự tôi không còn nhớ được khuôn mặt của bà . Chính tôi đã làm cho bàtấm bia gỗ và hàng chữ này. Ngoài ra chẳng ai đến thăm ngôi mộ này, bởi tôi là con một. Rồi cha tôi kết hôn một lần nữa. Mẹ kế tôi chỉ chăm lo cho những đứa con ruột của bà. Tôi luôn đến đây thăm mẹ tôi, dù vui hay buồn. Sau đó, cuộc sống đưa tôi phiêu bạt nhiều nơi, nhưng tôi không bao giờ quên ngôi mộ này. Đối với tôi, nó là một mái ấm gia đình, là " căn nhà" nơi tôi trở về sau những chuyến đi xa. 
" Nhiều năm trôi qua, việc thăm viếng hàng ngày trở nên khó khăn đối với tôi. Thế nhưng, chừng nào chân tôi vẫn còn đi được thì mỗi năm tôi vẫn sẽ đến thăm mẹ tôi ít nhất hai lần. Năm nay tôi đã 80 tuổi, không biết tôi sẽ còn tiếp tục điều này thêm bao lâu nữa".
Tôi lặng người ngồi nghe ông kể, hai mắt tôi nhòa lệ khi tôi chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ chứng kiến một tình yêu vô bờ bến đến dường  ấy. Tình cảm của tôi còn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với ông ấy- bởi vì bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể tìm đến được những kỷ niệm xưa của cha mẹ tôi; hay xem lại những tấm hình vui buồn thuở trước- đã từng gắn liền tôi với cha mẹ. Còn người đàn ông chân tình này liệu có được một kỷ niệmnào để ấp ủ? Có chăng chỉ là một tấm hình mờ nhạt của mẹ ông ngày trước. Hẳn có một mối dây liên hệ vô hình nào đó rất mạnh mẽ mới khiến ông lui tới viếng thăm ngôi mộ của người phụ nữ xấu số kia- người đã rời bỏ ông quá sớm đến nỗi ông chưa kịp hưởng được chút tình mẹ thiêng liêng, mà thay vào đó là một cảm giác thiếu vắng vô tận, day dứt mãi khôn nguôi.
Tôi vô cùng xúc động biết rằng mình vừa được ban cho một " món quà tuyệt diệu" . Tôi đã chứng kiến một tấm lòng tận tụy và tình cảm thiêng liêng bền vững, đã gắn bó một người đàn ông bình thường có trái tim cao cả với người mẹ quá cố của ông. Và tôi quyết định sẽ chăm sóc cho cả ngôi mộ ấy những khi đến thăm mộ cha mẹ tôi.
Tôi đã làm việc này suốt khoảng thời gian khi tôi còn ở Việt Nam. Bây giờ , đã hơn 12  năm  sống nơi xứ người xa xôi, tôi đã không còn dịp chăm sóc phần mộ của ba mẹ tôi cũng như của người đàn bà quá cố kia. Đôi lúc, thoáng chợt nhớ từng đám cỏ và hoa mắc cở phủ đầy  trên ngôi mộ người đàn bà nọ và những tấm bia trắng với những dòng chữ ghi lại ngày chết trên hai phần mộ của ba mẹ tôi , tôi cảm thấy xót xa, nhất là mỗi lần khi xuân sắp đến. Tôi  ước mong  có lần nào được trở lại thăm xứ sở trong tự do, để tôi được tự nguyện làm những gì theo ước muốn của mình. Tôi được chăm sóc lại từng những ngôi mộ của người thân ,để bù lại những khoảng thời gian chia xa trống vắng.

HÀ ĐÌNH HUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét